– Thần đạo là tôn giáo chính thống tại Nhật Bản gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của đất nước. Khác với những tôn giáo chỉ thờ 1 thần duy nhất, Thần Đạo xem những sự vật xung quanh như: núi, gió, cây cỏ, đá,… đều có thần cư ngụ. Chính các vị thần đó đã tạo nên đất nước Nhật Bản ngày nay và hậu duệ của họ chính là gia tộc Thiên Hoàng.
– Vị thần tối cao trong thần đạo chính là Nữ thần Mặt trời Amaterasu. Có khá nhiều ghi chép về bà nhưng đáng nói nhất phải kể đến sự việc vị thần tối cao tự giam mình trong hang tối vì hành động của người em trai.
Thông tin về Nữ thần mặt trời Amaterasu:

- Danh xưng: Amaterasu (天照 Thiên Chiếu) hay Amaterasu Oomikami (天照大御神 Thiên Chiếu Đại Ngự Thần).
- Giới tính: Nữ (Theo Kojiki – Cổ sự ký).
- Công việc: Người giữ vị trí tối cao trên thiên đường nơi các vị thần sinh sống.
- Thuộc hệ: Mặt trời.
- Trách nhiệm: Chiếu sáng cho thế gian, đem năng lượng cho muôn loài.
- Anh chị em trai: Thần Bóng tối (Tsukuyomi), thần Bão tố (Susanoo).
Sự ra đời của Nữ thần Mặt trời Amaterasu và các em trai:

– Izanami và Izanagi là 2 vị thần mang sứ mệnh tạo ra đất nước Nhật Bản. Họ đã sinh ra các vị thần: thần sông, thần gió, thần núi, thần cây thần biển,… Nhưng một ngày, khi Izanami hạ sinh Thần lửa đã bị sức nóng từ ngọn lửa thiêu cháy mà qua đời.
– Thần Izanagi không chịu nổi cảnh cô đơn nên đã đến Yomi no kuni (Âm phủ) tìm vợ nhưng Izanami đã ăn thức ăn ở âm phủ nên không thể quay lại dương gian.
– Thần Izanagi đành phải quay về hạ giới. Khi về lại dương gian ông cảm thấy không sạch sẽ nên đã thực hiện một buổi lễ thanh tẩy để gội rửa đi những ám khí, ô uế của Âm phủ trên dòng sông Woto.
– Trong khi rửa mặt 3 người con cũng đã được sinh ra. Từ mắt trái của ông Nữ thần Mặt trời Amaterasu đã được sinh ra. Cùng với 2 người em trai khác là: Tsukuyomi – vị thần hiện thân của bóng tối sinh ra ở mắt phải và người em sinh ra ở mũi Thần Bão tố Susanoo.


– Nữ thần Mặt trời Amaterasu đã kế tục cha mình trở thành chủ nhân của Takamagahara – Cao Thiên Nguyên (Thiên giới).
– Như vậy, Tsukuyomi cai quản thế giới bóng tối, Susanoo cai quản đại dương còn Amaterasu trông coi thiên giới. Tên của thần Amaterasu Oomikami mang nghĩa là vị thần vĩ đại, tỏa ánh sáng chiếu rọi cả thiên đường.
Câu chuyện của Nữ thần Mặt trời Amaterasu:

– Trong Kojiki, Amaterasu được miêu tả là vị thần tỏa ra ánh sáng và thường được nói đến như thần mặt trời vì hơi ấm và lòng nhân ái đối với những người thờ phụng bà. Nữ thần là người mang lại mùa màng tươi tốt, mang ấm no cho muôn loài.
– Có nhiều giai thoại nói về Nữ thần Mặt trời Amaterasu nhưng phần lớn các giai thoại đều nói về việc bà tự giam mình trong hang vì hành động của người em trai.
– Câu chuyện kể rằng, vào một ngày nọ thần Bão tố Susanoo trước khi xuống Âm phủ tìm mẹ là thần Izanami, ông đã ghé thăm chị gái của mình và đã ở lại Thiên giới vài ngày.
– Trong khi ở thiên giới, ngày nào Susanoo cũng gây náo loạn nơi này. Ông đã phá hủy những con mương, giẫm nát hoa màu của chị gái, gieo không biết bao lời oán thán của những vị thần khác. Nhưng Amaterasu vì nuông chiều em trai đã “nhắm mắt làm ngơ” bỏ qua mọi chuyện.
– Vì sự nuông chiều dành cho em trai nên đến một ngày Thần Susanoo đã gây ra đại họa. Trong 1 lần say xỉn Susanoo đã ném xác 1 con ngựa đã bị lột da vào người hầu gái đang dệt vải của chị mình. Khiến cho thoi cửi buộc bị bung ra ngoài và đâm xiên qua người cô gái (trong Kojiki, thoi cửi đâm qua bộ phận sinh dục của cô gái).
– Quá đỗi tức giận và uất ức, Amaterasu đã tự giam mình vào Thiên Nham Cung (hang trời), lấp kín cửa hang không muốn ra ngoài. Bản thân bà là Nữ thần Mặt trời nên hành động đó đã khiến cho thế giới chìm trong bóng tối u ám, sản sinh biết bao tai họa cho nhân gian, các ác thần bắt đầu lộng hành khắp hạ giới.
Nữ thần Mặt trời Amaterasu trở lại, bình minh ló dạng:
– Không thể để thần Mặt trời mãi giam mình trong hang động, các vị thần đã tụ họp lại để nghĩ cách khiến Amaterasu chịu ra ngoài.
– Vị thần mưu cơ là Taka mi misubi nói: “Thường thường nữ thần Amaterasu ló dạng mỗi khi nghe tiếng gà gáy, vậy chúng ta cho những con gà trống thật tốt giọng đậu lên đó thay phiên nhau gáy.” Việc đó được thực hiện ngay, nhưng vô hiệu. Amaterasu vẫn ở mãi trong Hang Trời.

– Thần mưu cơ lại tìm ra kế gợi trí tò mò của nữ thần Mặt Trời. Thần sai một thần thợ rèn làm một tấm gương thật sáng, đặt trước Hang Trời và kêu Thần Sức mạnh Tajikara-wo đứng cạnh đó.
– Trên tấm gương thần có treo những chuỗi ngọc trắng hình cánh cung (Yasakani no Magatama) và những đồ lễ tết bằng chỉ bạch, rồi tất cả hát lễ van vái (norito).
– Nữ thần của Lễ hội và hạnh phúc Amano Uzume xuất hiện và bắt đầu nhảy múa. Vũ điệu rất mê hoặc, khiến các vị thần cười đùa vui vẻ, không khí bừng lên đầy huyên náo. Điều này khiến cho Amaterasu – đang ở trong hang động – cảm thấy kỳ quái rồi cất tiếng hỏi:
– “Tại sao mọi người có thể cười vui vẻ khi không có ta chứ?”
– Amano Uzume nhanh trí trả lời:
– “Vì có một vị thần đẹp hơn Người đang ở đây đấy!”
– Amaterasu tò mò hé cửa nhìn ra ngoài thì thấy hình ảnh mình phản chiếu chói lọi trên tấm gương để phía trước hang. Trong giây phút bà sững sờ ngạc nhiên, vị thần sức mạnh Ameno Tajikarao đã dùng lực mở cửa hang đá đưa Nữ thần Mặt trời Amaterasu ra ngoài rồi nhanh chóng lấp của hang lại để nữ thần không thể quay lại được nữa.
– Mặt trời đã trở lại với thế gian, sự bình an lan tỏa khắp muôn nơi.

– Từ đó chuỗi ngọc cánh cung Yasakani no Magatama, chiếc gương thần Yata no Kagami giúp đưa nữ thần Mặt trời Amaterasu ra khỏi hang trở thành biểu tượng của nữ thần và là 2 trong 3 món bảo vật.
– Về phần Susanoo, ông phải gánh trách nhiệm của mình, cắt tóc và móng rồi bị đuổi khỏi thiên đường, kết thúc sự hỗn loạn.
– Ngày nay Amaterasu được tôn thờ là người sáng tạo ra việc canh tác lúa gạo và lúa mì, trồng dâu, nuôi tằm, quay tơ, dệt vải. Kukai nổi tiếng với việc liên kết Amaterasu với Dainichi Nyorai (Đại Nhật Như Lai), hình ảnh trung tâm của Phật giáo. Do đó, Amaterasu được cho là hiện thân thần thánh của Phật Vairocana.

– Ngôi đền quan trọng nhất của bà, đền Ise (Y Thế thần cung). Một tấm gương được đặt trong ngôi đền là hiện thân của Nữ thần Mặt trời Amaterasu, là một trong ba thần khí của Nhật Bản. Đền Ise được cho là ngôi nhà của Amaterasu.
– Tuy vậy, ngôi đền này không được mở cửa cho công chúng. Bà được tế lễ vào ngày 17 tháng 7 với đám rước trên khắp cả nước. Hội ngày đông chí 21 tháng 12 kỷ niệm ngày bà ra khỏi hang núi.
Bài hát về Nữ thân Mặt Trời Amaterasu: https://www.youtube.com/watch?v=jOoNO7PjV4M
Trên đây là giai thoại về Nữ thần Mặt trời Amaterasu. Mong rằng bài viết trên sẽ giúp mọi người hiểu hơn về Thần đạo và Vị thần tối cao của đất nước Mặt trời mọc này.